Sự giao thoa văn học dân gian giữa dân tộc Tày và dân tộc Mông

 

Tuy hai dân tộc Tày và Mông khác nhau khá xa về hệ ngôn ngữ, địa bàn cư trú nhưng trong sáng tác văn học dân gian lại có nhiều yếu tố gần gũi nhau, thậm chí có chỗ gặp gỡ, trùng hợp nhau. Đây là một biểu hiện khá sống động của quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em.

Mỗi dân tộc đều có truyền thống tốt đẹp. Từ phong tục tập quán đến đời sống vật chất, đời sống tinh thần, cho đến ca, múa, nhạc, ngôn ngữ, chữ viết... đều là những cái làm nên vốn văn hóa nghệ thuật. Trong các thể loại sáng tác văn học dân gian, thần thoại là một hiện tượng văn hóa tinh thần ra đời sớm với điểm xuất phát là câu hỏi về sự hình thành của trời đất, vũ trụ và con người. 

Để giải thích nguồn gốc con người, người Mông mở đầu bài ca thần thoại “Khúa kê” bằng cách đặt câu hỏi “Ngày xửa ngày xưa/Ai là người sinh ra mặt đất/Ai là người tạo ra bầu trời?...” và cho rằng: “Ngày xửa ngày xưa/Bà Chày sinh ra mặt đất/Ông Chày sinh ra bầu trời”. Người Mông còn có truyện một quả trứng do hai chị em ruột trong trống gỗ “ndông neng” sinh ra, sau nạn hồng thủy và được hai người đập vỡ hóa ra thành nhiều người anh em thuộc các họ khác nhau. Còn người Tày Cao Bằng có truyện trăm con do hai ông bà tổ tiên khổng lồ Pú Luông, Giả Cải sinh ra. Đây là loại hình tượng thần thoại mang ý nghĩa khái quát, nói lên ý niệm cơ bản: Các dân tộc trên dải đất Việt Nam đều từ một bụng mẹ sinh ra.

Do môi trường sống, do yêu cầu sinh hoạt xã hội, công cuộc đấu tranh với thiên nhiên... là cơ sở nảy sinh một kiểu truyện xuất hiện khá phổ biến trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc ít người, như truyện Cẩu Khây của người Tày, truyện Chê Hấu của người Mông. Truyện Cẩu Khây kể về bốn anh em kết nghĩa là bốn chàng trai rất khỏe: “Cẩu Khây” là chàng trai ăn hết 9 chõ xôi và vác được trâu qua suối lũ. Tiếp theo là những người anh em khác như “Nắm tay đóng cọc” có đôi bàn tay khỏe như bàn tay sắt, có sức đấm nặng như búa tạ thay được vồ đóng cọc đắp phai; chàng “Lấy tai tát nước” có cái tai khổng lồ và khỏe, thay được chiếc gàu lớn, đưa được nước từ suối sâu lên ruộng cao; chàng “Móng tay đục máng” có móng tay sắc như chiếc đục, đục được cả những cây gỗ nguyên làm máng dẫn nước. Bốn anh em hợp sức diệt hai vợ chồng con yêu tinh hung ác, trừ tai họa lũ lụt cho dân bản. Hình tượng bốn anh em kết nghĩa Cẩu Khây thể hiện khát vọng của người Tày trong công cuộc đấu tranh với thiên nhiên.

Tương tự như truyện Cẩu Khây của người Tày, truyện Chê Hấu của người Mông thể hiện cả một tập thể những chàng trai lao động nông nghiệp, theo một hệ thống hoạt động liên hoàn, gắn bó mật thiết với nhau. Mở đầu là chàng “Nhổ cây”, chàng “Cắt tranh” vỡ nương, tiếp đến là chàng “Chê hấu” trồng trọt, sau đó chàng “Hút nước” chống lũ lụt, bảo vệ hoa màu; sau bao công phu lao động gian khổ của các chàng Nhổ cây, Cắt tranh, Chê hấu, khi lương thực thu hoạch về, có chàng “Đục đá” làm cối xay để chế biến. Cùng với lao động sản xuất ra lương thực để nuôi sống, trong đội ngũ những chàng trai khỏe của người Mông còn có những người là tay thợ xây dựng nhà cửa tài giỏi như các chàng Cắt tranh, Xẻ gỗ. Các nhân vật gần giống với các nhân vật trong truyện của người Tày: Chàng khỏe tay nâng bổng được trâu mộng như chàng Cẩu Khây; chàng có móng tay dày và sắc khoét được máng, chàng có tai to ngăn được sông. Đặc biệt chàng Đục đá là một sự sáng tạo độc đáo của người Mông, gắn liền với phương thức sinh sống của họ: dùng cối xay đá xay ngô thành bột làm thành thức ăn (mèn mén). Cũng giống như các chàng trai trong truyện Cẩu Khây, các chàng trai Mông đã hợp sức trừ yêu, cứu sống dân bản. 

Bằng trí tưởng tượng táo bạo, người Tày cũng như người Mông sáng tạo nên các loại hình tượng người thần kỳ, thể hiện ước mơ đầy tính hào hùng nâng sức con người lên hàng vạn lần để chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt.

Trong nền văn hóa cổ truyền của các dân tộc có nhiều phong tục đẹp lưu truyền từ lâu đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày như tục ném còn, tục hát lượn trong ngày hội xuân (hội lồng tồng) của người Tày, tục thổi khèn, đánh trống trong lễ đưa ma của người Mông. Về tục ném còn có truyện “Quả pa pao” của người Mông, truyện “Tung còn lấy vợ tiên” của người Tày. Truyện về các nhạc cụ dân gian có “Sự tích chiếc kèn môi” của người Mông, “Sự tích chiếc đàn tính” của người Tày. Trong hôn lễ dân tộc Tày và dân tộc Mông, cùng với nghi lễ và phong tục, còn có một tục lệ khá đậm đà là sinh hoạt ca hát phục vụ các nghi lễ, người Tày có hát quan làng, người Mông có hát gầu xống. Bên cạnh chức năng chủ yếu là minh họa các phong tục và phục vụ các sinh hoạt phong tục còn bao hàm cả thành phần giao duyên. Trong hệ thống các bài quan làng có nhóm bài hát cuối cùng là thơ slắng (hát tiễn đưa); trong hệ thống các bài hát gầu xống của người Mông có nhóm các bài hát vui chơi tự do, không nằm trong khuôn khổ quy tắc hôn lễ. Những bài hát slắng của người Tày cũng như những bài hát vui chơi tự do của người Mông tuy nằm trong hệ thống các bài ca hôn lễ nhưng thực chất là những bài ca giao duyên. Thay vào những bài hát trong khuôn khổ của các lễ tiết trong hôn lễ, họ hát lên những bài hát đối đáp, trực tiếp bộc lộ tình cảm với nhau, nói lên những niềm thương nỗi nhớ, hoặc gửi lại những lời hò hẹn... trước giờ chia tay, như vẫn thấy trong kết cấu của dân ca giao duyên. Cũng như đặc điểm chung trong văn học dân gian các dân tộc, người Tày và người Mông bên cạnh sự hăng say lao động cũng là những con người sống một cách giao hòa, thân mật, vui tươi trong sinh hoạt của cộng đồng. Ngưởi Tày có những bài lượn, phong slư; người Mông thông qua tình ca gầu plềnh nói lên tục lệ tốt đẹp của họ. Trong lễ tết, trong ngày hội gầu tào, bên gốc nêu, đôi trai gái Mông có dịp trao đổi tình cảm với nhau một cách thắm thiết.  

Dân ca và thơ ca dân gian của các dân tộc nói chung, của dân tộc Tày và Mông nói riêng xuất phát từ thực tiễn của mỗi dân tộc, vừa có đặc thù về mặt ngôn ngữ, nội dung và nghệ thuật, vừa có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau. Trong sự thống nhất của các truyền thống nghệ thuật còn mang phong cách sáng tạo thông minh. Những sự giao thoa đó tạo nên tính cộng đồng bên cạnh nét độc đáo của nền văn học từng dân tộc ở các địa phương.   

Theo Nguồn: https://baocaobang.vn     

 

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập