Nét đặc trưng của khí hậu Cao Bằng

Do nằm sát chí tuyến Bắc trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu nên khí hậu của Cao Bằng mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc là có tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới, thể hiện bốn mùa trong năm nhưng rõ nhất là mùa hè và mùa đông. Mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc; mùa hè chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc - Nam 80 km (từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện Thạch An). Theo chiều Đông - Tây 170 km (từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm).

Tỉnh Cao Bằng được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 22o21'21" đến 23o07'12" vĩ độ Bắc và từ 105o16'15 kinh độ Đông. Địa hình của tỉnh khá phức tạp, được chia thành 3 vùng rõ rệt. Vùng địa trũng (vùng trung tâm) có địa hình khá bằng phẳng, bao gồm đồi thấp xem kẽ các cánh đồng tương đối rộng, phân bố chủ yếu ở huyện Hòa An, Thành phố Cao Bằng và các xã phía Nam huyện Hà Quảng. Vùng núi đất chạy từ phía Tây Bắc huyện Bảo Lạc, qua huyện Nguyên Bình xuống phía Tây Nam huyện Thạch An, là vùng có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có đỉnh núi cao gần 2.000 m, như Phja Dạ (Bảo Lâm) 1.980 m, Phja Oắc (Nguyên Bình) 1.931 m. Vùng đá vôi chạy từ phía Bắc dọc theo biên giới Việt - Trung, vòng xuống phía Đông Nam của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa. Về địa thế, tỉnh Cao Bằng có độ dốc cao, đặc biệt là ở những nơi có nhiều núi đá, có tới 75% diện tích đất đai có độ dốc trên 250.

Cao Bằng là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600 - 1.300 so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%. Nhìn chung, tỉnh Cao Bằng có địa hình khá đa dạng, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối khá dày, núi đồi trùng điệp, thung lũng sâu... Sự phức tạp của địa hình tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái đặc thù.

anh tin bai

Sự phân hóa khí hậu theo độ cao ở Cao Bằng là điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Do nằm sát chí tuyến Bắc trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu nên khí hậu của Cao Bằng mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Tác động của hoàn lưu khí quyển khu vực trên mặt đệm của địa hình và vị trí địa lí, khí hậu, Cao Bằng hình thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Vào mùa này, gió mùa Đông Nam thịnh hành từ biển Đông thổi tới mang nhiều hơi ẩm qua vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung du, miền núi tới Cao Bằng. Do đó, khí hậu, thời tiết nóng, ẩm, có lúc mưa nhiều, gây nên lũ lụt, xói lở đất, lũ quét. Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa này, gió mùa Đông Bắc từ lục địa Trung Quốc thổi tới, tính chất lạnh, khô. Khí hậu mang tính ôn đới, mát mẻ, thời tiết có ngày lạnh giá, rét buốt, xuất hiện sương muối, thậm chí có tuyết rơi, nhất là ở vùng núi cao. Từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau là các tháng lạnh giá. Ngoài ra, khí hậu của tỉnh còn chịu ảnh hưởng của một số nhân tố như vĩ độ, độ cao địa hình, hướng núi... nên khí hậu trở nên phức tạp, thất thường.

Về nhiệt độ, do nằm sát đường chí tuyến Bắc nên tất cả các địa phương trong tỉnh mỗi năm mặt trời lên thiên đỉnh hai lần, mỗi lần cách nhau từ 10 đến 20 ngày trước và sau ngày hạ chí (22/6 hằng năm). Số giờ nắng trung bình/năm của các địa phương trong tỉnh từ 1.400 - 1.600 giờ. Cụ thể số liệu ở một số trạm quan trắc khí tượng: Hà Quảng 1.421 giờ, Trùng Khánh 1.563 giờ, thành phố Cao Bằng 1.568 giờ.

Nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng 19,80C - 21,60C, mùa hè có nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng từ 250C - 280C, mùa đông có nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng từ 140C - 180C, nhiệt độ không có sự chênh lệch nhiều giữa các khu vực trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiệt độ có xu thế giảm theo độ cao địa hình, ở các vùng vừa, núi thấp và thung lũng (Bảo Lạc, thành phố Cao Bằng) cao hơn so với các vùng núi cao (Trùng Khánh, Nguyên Bình). Tháng nóng nhất trong năm là tháng 7, nhiệt độ trung bình phổ biến từ 260C - 27,50C. Tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ trung bình từ trên 11,50C - 150C. Biên độ nhiệt giữa tháng nóng nhất và lạnh nhất khoảng 130C - 140C, trong đó chênh lệch nhiều nhất ở vùng núi cao Trùng Khánh.

 Mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Phần lớn các huyện, thành phố có ba tháng nhiệt độ trung bình dưới 150C. Tuy nhiên, giữa các vùng có sự phân hóa. Vùng thấp như Hòa An, thành phố Cao Bằng, Quảng Hòa có mùa lạnh ngắn hơn, chỉ có một tháng nhiệt độ dưới 150C. Vùng thượng lưu sông Neo, vùng núi Phja Oắc, Phja Dạ và phía tây Hà Quảng rét đậm hơn. Ở đây thường có 1 - 2 tháng nhiệt độ dưới 100C. Ở các vùng núi cao thường xuất hiện sương muối, băng giá. Khi lạnh nhất nhiệt độ có thể xuống dưới 00C và thường xảy ra vào tháng 1. Ở vùng núi cao trung bình và núi thấp thường có mùa hạ mát mẻ, nhiệt độ những tháng nóng cũng chỉ khoảng dưới 250C. Nhìn chung, phần lớn lãnh thổ còn lại đều có mùa hạ với nhiệt độ trung bình/tháng vượt quá 250C.

 Cao Bằng chịu ảnh hưởng của các loại gió hoạt động theo mùa. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, gió thổi từ Bắc và Đông Bắc về mang theo không khí lạnh và khô. Từ tháng 5 đến tháng 10, gió Đông Nam thổi tới mang theo nhiều hơi nước là tác nhân chính cho mùa hạ có lượng mưa lớn, đôi khi xuất hiện gió lốc cục bộ từng khu vực hẹp.

Lượng mưa trung bình năm của tỉnh dao động 1.000 - 1.900 mm. So sánh với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, lượng mưa của Cao Bằng tương đối thấp. Lượng mưa xác định hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 9, chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa năm. Mùa khô kéo dài 7 tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, cũng là thời kỳ hoạt động của gió mùa mùa đông. Lượng mưa mùa này chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng mưa cả năm, dao động giữa các tháng từ 23 mm đến dưới 100 mm, thời kỳ khô hạn nhất là từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

 Do ảnh hưởng của địa hình, lượng mưa phân bố không đều, vùng mưa nhiều 1.500 - 1.900 mm/năm gồm: huyện Nguyên Bình, Hạ Lang, bắc huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa). Vùng mưa trung bình 1.300 - 1.500 mm/năm gồm các huyện: Hà Quảng, Hoà An, Trùng Khánh. Vùng mưa ít 1.000 - 1.300 mm/năm gồm: huyện Thạch An, thung lũng Bảo Lạc, Phục Hoà (huyện Quảng Hòa). Sự phân hóa khí hậu theo độ cao là điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, khí hậu Cao Bằng đa dạng, thất thường, các hiện tượng thời tiết cực đoan như băng giá, sương muối, lũ quét, hạn hán, mưa đá... gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Do vậy, công tác dự báo thời tiết, các biện pháp phòng, chống hạn chế thiệt hại do tự nhiên gây ra rất quan trọng.

Theo Nguồn: https://baocaobang.vn

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập