Nét văn hóa trong nông cụ truyền thống của người Tày, Nùng

Nhiều dụng cụ lao động truyền thống vẫn được người Tày, Nùng sử dụng trong lao động sản xuất.

Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mọi dụng cụ lao động truyền thống phục vụ sản xuất, sinh hoạt được người Tày, Nùng khéo léo làm ra từ những nguyên liệu mộc mạc, có sẵn. Đến nay, nhiều vật dụng vẫn tồn tại và được lưu giữ, tạo nên nét đặc sắc văn hóa của địa phương.

Văn hóa sinh hoạt của người Tày, Nùng rất đa dang, phong phú. Trong quá trình lao động và sản xuất, người dân sáng tạo ra nhiều nghề thủ công phục vụ đời sống hằng ngày như: nghề dệt, đan lát, mộc, đẽo đá, rèn, làm hương, làm ngói... Vì người dân nơi đây sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu nên các sản phẩm nông cụ phục vụ cuộc sống của con người không chỉ bảo đảm về mặt mỹ thuật mà còn bảo đảm về độ bền và quan niệm tâm linh. Sản phẩm chủ yếu là cuốc, cày, bừa, cối xay thóc, cối giã gạo, dao, búa, dụng cụ vận chuyển... Đa số nông cụ được làm bằng các loại gỗ trong rừng.

Dụng cụ lao động truyền thống được làm từ gỗ phát triển gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, quan niệm tâm linh của người dân nơi đây. Mỗi loại cây gỗ đều có chất liệu khác nhau như độ cứng, độ dẻo dai, độ chịu mài mòn, chịu được độ ẩm... Như máng chăn lợn được làm từ loại cây mạy phát (tiếng địa phương), cây có độ cứng, dẻo dai, chịu được độ ẩm, phù hợp với môi trường ẩm ướt quanh năm. Đặc biệt theo quan niệm dân gian, loại cây này do có thân mềm nên vật nuôi sẽ mau lớn. Còn cối giã gạo người dân thường chọn cây có độ cứng cao nhưng chịu được mài mòn tốt, thích hợp với sự ma sát thường xuyên. Khi sử dụng lâu có độ nhẵn bóng và mòn đều xung quanh miệng cối.

Một số bộ phận quan trọng của cày, bừa cũng được làm từ gỗ. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta chọn 2 loại cây gỗ chính để làm thân và răng bừa. “Mạy khàng” có đặc tính chịu được nắng, mưa ẩm ướt, mặc dù thân không quá cứng, nhưng khi sử dụng có độ dai, không bị nứt khi chịu tác động của ánh nắng mặt trời nên được chọn làm thân bừa. 

Còn răng bừa được làm bằng “mạy thjây” một loại cây trên núi đá. Loại cây này bên trong có màu đỏ nhạt, thân cây chống mài mòn rất tốt, răng bừa được sử dụng nhiều năm mới cần thay thế. Đối với cối xay thóc phải sử dụng khúc gỗ to đủ nặng, khi quay có lực làm tróc vỏ trấu của thóc. Đồng thời răng của cối được làm bằng loại gỗ có thân mềm, khi khô rất dai và chịu được sự mài mòn.

Các dụng cụ được làm từ đan lát rất nhiều mẫu mã, có tính năng sử dụng hữu ích và độ bền cao. Qua bàn tay khéo léo của người dân, các sản phẩm đan lát được sáng tạo đa dạng thành các dụng cụ vận chuyển: gùi, giậu, sọt..., nông cụ sơ chế lương thực, đựng như: rá, rổ, nong, nia, gùi, sọt…, công cụ đánh bắt cá như: rọ, chài..., hay chiếu phơi thóc, ngô, sắn...

Để hoàn thiện một sản phẩm lao động từ đan lát thường phải trải qua nhiều bước. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu phải cẩn thận, chọn cây tre hoặc cây nứa, giang, mây thẳng, không quá già và không được quá non để không bị mọt. Khi mang về nhà không được để các nguyên liệu quá lâu sẽ bị khô, khó chẻ nan và không giữ được độ dẻo thích hợp. Sau bước chọn nguyên liệu, khi đan cần phải khéo léo chẻ nan, chuốt nan đòi hỏi làm sao cho mềm, nhẵn, đều để khi đan sẽ không bị kẽ hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp. Mỗi công đoạn yêu cầu sự bền bỉ, cần mẫn, tạo nên những sản phẩm mang tính thực tế gắn liền với mục đích sử dụng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các loại máy móc hiện đại đem lại năng suất cao dần thay thế những dụng cụ lao động, sản xuất thô sơ truyền thống. Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn Cao Bằng, nhiều gia đình Tày, Nùng vẫn sử dụng, gìn giữ và bảo quản một số vật dụng thủ công từ xưa như lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.  

  Linh Nhi

Theo nguồn https://baocaobang.vn

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập