Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng chính quyền số

 Người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Xây dựng chính quyền số là 1 trong 3 trụ cột trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển chính quyền số. Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, các hệ thống nền tảng và phát triển dữ liệu nhằm hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước tại địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, hiện nay, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được chuẩn hóa và cài đặt kết nối với hệ thống giám sát Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND huyện, Thành phố và các xã trên toàn tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản quốc gia được ứng dụng và triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành, địa phương.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về CĐS trên các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Việc triển khai phát triển chính quyền số, tỉnh dùng chung hệ thống văn bản và điều hành cho các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, trao đổi văn bản, xử lý công việc, kết nối liên thông 3 cấp đến 100% cơ quan hành chính Nhà nước.

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) ban hành quy chế quản lý, vận hành của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Cao Bằng; hoàn thành tích hợp dữ liệu của 8 phân hệ: giám sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát phản ánh kiến nghị người dân có nguồn dữ liệu hệ thống kết nối người dân, giám sát dịch vụ hành chính công, giám sát văn bản điện tử, giám sát lĩnh vực y tế, giám sát giáo dục, giám sát điều hành du lịch, giám sát phản ánh hiện trường. Ứng dụng Mobile IOC Cao Bằng được xây dựng; Sở TT&TT đang đánh giá, hiệu chỉnh các phân hệ và ứng dụng Mobile IOC để yêu cầu đơn vị tài trợ hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 97% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử; ứng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành, địa phương; tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng lên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 4 cấp.  

Tỉnh bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp, có đủ năng lực, trình độ để tham mưu triển khai các hoạt động phát triển chính quyền số, CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nội dung, tầm quan trọng của CĐS đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị. Phát huy ưu thế của công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, phổ biến, nhân rộng kịp thời các cơ quan, đơn vị thực hiện CĐS hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, Sở TT&TT phối hợp với các doanh nghiệp (VNPT, Viettel) cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng triển khai các chương trình hỗ trợ cấp miễn phí ví điện tử, chữ ký số công cộng để người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Toàn tỉnh cấp 2.042 chữ ký số công cộng, lũy kế đến tháng 8/2024 cấp 5.991 chữ ký số công cộng… Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ lũy kế đến hiện tại toàn tỉnh được cấp 9.090 chữ ký số. Hiện, Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với hệ thống hộ tịch của Bộ Tư pháp; hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ khai thác, tra cứu, chia sẻ dữ liệu.

Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.152 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 418 dịch vụ công trực tuyến một phần. 71,55% nộp hồ sơ trực tuyến, 48,29% dịch vụ công trực tuyến có giao dịch thanh toán trực tuyến, 42,35% hồ sơ thanh toán trực tuyến, 68,99% hồ sơ kết quả điện tử, 68,5% số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Triệu Đình Thăng cho biết: Ðể quá trình CÐS nhanh chóng và hiệu quả, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về CÐS. Trong đó, tập trung số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị (dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, giáo dục…) về kho dữ liệu chung của tỉnh. 

Tập trung triển khai CÐS một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch. Qua đó, tăng cường chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Sở TT&TT tích cực tham mưu UBND tỉnh đôn đốc, tuyên truyền, xây dựng tài liệu, tập huấn, hướng dẫn kịp thời nội dung về CĐS, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đề ra những giải pháp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ CĐS đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra.

Tiến Mạnh

Theo https://baocaobang.vn

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập