Đám cưới của người Dao đỏ

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của đồng bào các dân tộc mai một theo thời gian, nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới cổ truyền vẫn được người Dao đỏ Cao Bằng lưu truyền để giáo dục cho con cháu. 

Đám cưới của người Dao đỏ gồm nhiều nghi lễ phức tạp (tuỳ theo từng nhóm hoặc từng vùng mà có nghi lễ riêng). Nhưng nhìn chung hôn lễ đều tiến hành qua mấy bước như: lễ dạm hỏi "mịnh nại", lễ ăn hỏi chính thức "ghịa tịnh" và lễ cưới.

Khi trong nhà có con trai đến 13 - 14 tuổi, bố mẹ thường tìm hiểu xem có cô gái nào nhìn ưng mắt, ngoan ngoãn chăm chỉ, thì đến đặt vấn đề, gây mối quan hệ với bên nhà gái. Bố mẹ là người quyết định việc hôn nhân của con cái. Nếu xem ngày sinh tháng đẻ người con gái hợp người con trai thì quyết định làm lễ dạm hỏi. Lễ dạm hỏi thường là bố hoặc mẹ người con trai đích thân sang nhà gái, lễ vật gồm một chai rượu, một cuộn len đỏ, một sải vải.

Sau lễ ăn hỏi chính thức, người con gái được phép nghỉ ở nhà từ chín tháng đến một năm để thêu quần áo, thắt lưng, khăn... Đồng thời, nếu bên nhà trai yêu cầu, cô gái còn phải thêu quần hoặc thắt lưng cho bên nhà trai (thêu bao nhiêu bộ bên nhà trai phải chịu hết nguyên liệu như: len, vải, chỉ thêu...). Ngoài vải vóc, len chỉ để may quần áo mới, nhà trai phải sắm đủ sính lễ sang nhà gái cho ngày cưới gồm: thịt lợn, gạo, rượu, bạc trắng để đánh đồ trang sức: 200 hoa tám góc, vòng cổ hai cái khoảng 12 đồng bạc, vòng tay một đôi... Của hồi môn nhà gái cho cô dâu về nhà chồng thường là: một hòm gỗ, một chăn chiên, một đôi chiếu, một chậu rửa mặt.

Đến ngày cưới (đã định trước từ lễ ăn hỏi), trước khi đưa cô dâu sang nhà chồng, nhà gái mổ một con gà luộc rồi cúng, báo cho tổ tiên biết rằng từ nay người con gái này sẽ đi lấy chồng. Số lượng họ hàng nhà gái đưa cô dâu sang nhà chú rể được báo trước cho bên nhà trai để nhà trai chuẩn bị cỗ bàn và thịt để chia cho mọi người bên nhà gái đem về, ngoài ra còn được chia cả rượu nữa.

Đoàn đưa dâu sang nhà trai, còn có cả người thổi kèn để tiễn đưa cô dâu, nếu nhà hai bên gần nhau thì có thể đến giữa đường nhà trai sẽ cho người nhà ra đón. Nếu cách nhau quá xa thì bên nhà gái tự mang cơm nắm đi ăn dọc đường, khi đến gần nhà trai mới được ra đón. Khi đi trên đường, cô dâu được các phù dâu che ô và phải che mặt suốt đường đi bằng một tấm vải thêu cầu kỳ, trang sức phủ xung quanh có khung tam giác chụp lên đầu. Khi đội khăn ra cửa, cô dâu không được phép quay mặt lại nhìn bố mẹ, anh chị em.

Khi đoàn nhà gái đến gần nhà trai, nhà gái thổi một hồi kèn pí lè lên báo cho nhà trai biết để ra đón. Nhà trai cũng thổi kèn, trống chiêng nổi lên đáp lại chào nhà gái, vòng qua ba vòng xung quanh họ nhà gái, hai bên cúi đầu chào nhau rồi mới vào nhà. Sau đó nhà trai bắt đầu tổ chức các tiết lễ nhận cô dâu mới và tổ chức ăn uống linh đình cho hai họ.

Trong hôn nhân của người Dao đỏ, nếu người con trai sang nhà gái ở rể vĩnh viễn thì người con trai phải đổi họ mình theo họ bên vợ.

Ngày nay, đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc có nhiều thay đổi, người Dao đỏ cũng vậy, lễ cưới cũng có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện hiện tại, tuy nhiên các bước cơ bản vẫn được lưu giữ, đặc biệt về trang phục. Các bạn trẻ thoát ly địa phương, đi làm ăn xa, tiếp thu những văn hoá hiện đại, nhưng trong lễ cưới họ vẫn duy trì trang phục dân tộc mình trong các nghi thức cưới xin truyền thống.

Theo nguồn: https://baocaobang.vn/

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập