Tết “So lộc” của người Tày, Nùng Cao Bằng

Cứ đến ngày 6/6 âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh tổ chức ăn tết “So lộc” để tỏ lòng biết ơn đối với Tiên Nông và trâu, bò đã phù hộ, phục vụ cho vụ mùa được mưa thuận gió hòa, bội thu.

Tết So lộc (có nơi gọi là So loọc) cũng là một ngày tết lớn của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, được tổ chức vào ngày mùng 6/6 âm lịch hằng năm. Trong quan niệm của người Tày, Nùng "So lộc" có nghĩa là xin lộc, xin tổ tiên ban lộc để làm ăn thuận lợi, cây cối tốt tươi, được mùa để cuộc sống đỡ vất vả hơn... Để thể hiện lòng thành, đồng thời gửi gắm nguyện vọng về một mùa tốt tươi, các gia đình người Tày, Nùng làm mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên. Mâm lễ có vịt, bún là chủ yếu, theo phong tục, vịt phải chặt cả con, bầy lên mâm tất cả con vịt, cả bộ lòng. Khi cúng tổ tiên phải để hương cháy hết 2/3 mới có thể dọn mâm, rồi sau đó đi cúng ở thổ công trong làng... Trong ngày tết So lộc, không chuẩn bị đồ ăn, bánh trái linh đình như tết Nguyên đán, hay Rằm tháng 7, nhưng cũng đủ những món ăn và đặc biệt không thể thiếu thịt vịt, bún.

anh tin bai

Người dân chung nhau góp gạo để làm bún thủ công.

Tết So lộc thường được tổ chức tại các huyện miền Đông, như: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang. Trong ngày này, mọi người dậy sớm, quét dọn, chỉnh trang nhà cửa, bàn thờ rồi thịt vịt, làm bún. Khi làm bún, thường thì nhiều nhà cùng nhau làm tại một gia đình, vừa tạo không khí vui tươi, vừa giúp nhau làm để được nhanh hơn. Vì làm bún thủ công mất rất nhiều thời gian và công sức:  xát bột, treo, vắt bột cho khô nước, sau đó phải trần qua bột rồi mới giã và ép thành sợi bún. Công đoạn giã và ép bún đòi hỏi phải có nhiều người và phải là những người có sức khỏe mới làm được. Đặc biệt bún ở các huyện miền Đông sợi to hơn hẳn những nơi khác, tạo nên nét đặc trưng khác biệt.

Ngoài tên gọi tết So lộc thì một số vùng còn gọi ngày này là tết “khoăn vài", tạm dịch là tết vía trâu. Đó là khi lúa ngoài đồng bén rễ, con trâu đã vất vả quanh năm, giờ là lúc nghỉ ngơi và được ăn một cái tết của riêng mình. Cày, bừa được treo lên vách, cuốc xẻng được lau sạch bùn đất. Mặt khác, bà con nông dân cũng muốn cảm ơn con trâu, con bò đã lam lũ, vất vả giúp đỡ mình trong cả mùa vụ qua nên tổ chức cho con trâu một cái tết rất ý nghĩa. Bà Nông Thị Lụa, xóm Sộc Khâm, xã Đức Hồng (Trùng Khánh) chia sẻ: Ngày tết So lộc cũng là dịp để cả nhà ngồi lại cùng nhau ăn một bữa cơm sum họp thật đầm ấm. Mọi người cùng nhau kể lại những khó khăn trong một mùa vụ vừa qua, cùng nhau chia sẻ những vất vả; ông bà sẽ truyền trao cho con cháu những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất; cha mẹ dạy con cháu những điều hay lẽ phải, dạy biết yêu quý thiên nhiên, trân trọng những ai đã giúp đỡ mình trong cuộc sống, kể cả loài vật như: trâu, bò…

anh tin bai

Ngày tết So lộc cũng là dịp để cả nhà ngồi lại cùng nhau ăn bữa cơm sum họp

Trong ngày mùng 6/6 âm lịch, mọi người không đi làm đồng mà lo công việc thờ cúng, đến thăm thân, giao lưu hàng xóm. Mỗi năm chỉ có một lần, tết So lộc còn được coi là ngày hội của trẻ thơ, chúng háo hức nhận công việc chăn trâu, bò. Trước khi thả trâu, bò ra đồng, trẻ con được người lớn chuẩn bị cơm nắm, đôi đùi vịt to béo, bánh chưng và thêm cặp lồng đựng canh bún, khi đến bãi chăn thả, nhóm trẻ góp phần ăn chung. Trong khi từng đàn trâu, bò nhởn nhơ gặm cỏ, lũ trẻ nô đùa, tắm mát dưới dòng suối.

Chị Nông Thị Hương, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, cho biết: Năm nào nghỉ hè tôi cũng cho các con về thăm quê Trùng Khánh, năm nay về đúng dịp tết So lộc các cháu rất vui, biết thêm về phong tục truyền thống quê hương, được tham gia cùng người lớn mổ vịt, làm bún, đây thực sự là những trải nghiệm quý giá đối với các con.

Tết So lộc là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Tày và Nùng, những sinh hoạt của ngày tết là nơi góp phần sản sinh, sáng tạo và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cùng với sự thay đổi của mọi mặt đời sống xã hội, tết cũng đang có những biến đổi mạnh mẽ và lan toả trong cộng đồng người dân trong tỉnh. Ngày nay, ở Thành phố hay các địa phương khác cũng tổ chức ăn tết So lộc. Con em người Tày, Nùng khi lớn lên, dù có đi học tập, làm ăn xa, vẫn nhớ quê hương mỗi khi tết So lộc về. Tết không chỉ là nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mà tết còn là chất keo gắn kết cộng đồng, con người gần gũi nhau hơn.

Theo Nguồn : https://baocaobang.vn/

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập