Bảo Lâm là huyện miền
núi khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh, đời sống của người dân còn thiếu thốn mọi
bề. Khó khăn là vậy, nhưng hằng ngày những thầy, cô giáo nơi đây vẫn quyết tâm
bám trường, bám lớp ươm mầm từng con chữ trên vùng đất này.
Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh” câu nói vui
của nhiều người dân, nhưng trải nghiệm mới thấy đúng là vậy. Vượt hàng chục km
đường đèo, dốc núi chúng tôi đến trường Tiểu học và Trung học cơ sở
(TH&THCS) Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm. Năm học 2023 - 2024, Trường TH&THCS
Đức Hạnh có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ với 34 lớp và tổng số 851
học sinh, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài điểm trường chính
còn có 5 phân trường, điểm trường lẻ, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn trang
thiết bị dạy và học. Hầu hết các em học sinh đều có hoàn cảnh gia đình khó
khăn, toàn trường có 550 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của
Chính phủ.
Thầy giáo Hoàng Cao Cường,
Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường TH&THCS Đức Hạnh là một trong những
trường xa và khó đi nhất ở huyện Bảo Lâm. Những khó khăn, vất vả không thể kể
hết được, nhiều thầy cô cắm bản phải đối mặt với hiểm nguy khi vượt sông, vượt
suối đến với lớp học. Thế nhưng, vì sự nghiệp "trồng người", nhiều
giáo viên không quản ngại khó khăn vất vả "cõng chữ lên non” ươm mầm tri
thức để các em có một tương lai tươi sáng hơn... Trong khó khăn, gian khổ, cán
bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết cũng như nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học
sinh khá giỏi đạt gần 40%; trên 96% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt. Mặc dù đây
không phải thành tích xuất sắc, nhưng đó là niềm vui, niềm động viên tinh thần
to lớn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để tiếp tục giảng dạy.
Thầy giáo Hầu Văn Cả hướng dẫn học sinh viết từng nét chữ.
Rời trường chính, chúng tôi theo các thầy,
cô lên điểm trường Chè Lỳ A, Trường TH&THCS Đức Hạnh. Men theo sườn núi với
những con dốc dài lởm chởm đá, có chỗ mặt đường bùn lầy, trơn trượt, mới thấy
con đường giảng dạy và học tập của thầy và trò những điểm trường lẻ thật lắm
gian nan. Thầy giáo Hầu Văn Cả, giáo viên điểm trường chia sẻ: Thời tiết mùa
này vào sáng sớm và chiều tối đều rất lạnh, sương mù dày đặc. Đặc biệt, mưa
nhiều khiến những con đường trở nên trơn trượt, các giáo viên phải lấy xích xe
máy quấn vào bánh xe để xe đi bám đường hơn, nhưng vẫn ngã thường xuyên.
Chè Lỳ A là điểm trường xa và
khó khăn củatrường TH&THCS
Đức Hạnh. Cả trường 205 học sinh, 100% dân tộc Mông và hơn 90% hộ nghèo. Địa
hình phức tạp, nhiều đồi núi cao, đường đến trường của các em vô cùng cách trở,
nhiều học sinh phải mất vài giờ đi bộ đến trường. Mặc dù không phải là trường
bán trú nhưng điểm trường đã khắc phục khó khăn tổ chức ăn bán trú cho học
sinh. Ngoài 152 em được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ, các
em còn lại được hỗ trợ từ Chương trình thiện nguyện “Nuôi em” với định mức mỗi
em 8.500 đồng. Hiện nay, 100% học sinh tại điểm trường được nuôi cơm trưa đầy
đủ với mức 10 nghìn đồng/bữa. Việc duy trì được những bữa cơm trưa tại điểm
trường đã giúp các em không phải đi một quãng đường xa, mà còn đảm bảo sức khỏe
để học tập. Thầy giáo Hầu Văn Cả cho biết thêm: Trước đây các em học sinh đi
học buổi trưa chỉ có cơm nguội và nước mang từ nhà đi. Khi thực hiện chương
trình ăn bán trú tại trường, các em đã có cơm ăn tại trường, ngủ tại trường,
tập trung cho việc học tập. Từ khi có chương trình, các em học sinh đi học đều
và không nghỉ học như mấy năm trước.
Trên rẻo cao xa xôi này,
thiếu nước ăn uống, sinh hoạt là khó khăn lớn nhất, tình trạng thiếu nước triền
miên, từ mùa mưa đến mùa khô. Những giáo viên ở điểm trường đã sử dụng tất cả
những cách tích trữ nước sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt có những cách tích nước
chỉ có ở nơi đây. Trong căn phòng vẻn vẹn 20 m2 của
cô giáo Trần Thị Vực, ngoài bàn làm việc đầy ắp giáo án, chiếc giường nhỏ,
những chỗ còn lại là đặt những bao dứa dự trữ nước. Cô Vực chia sẻ: Tôi dạy học
trên vùng đất này đã 21 năm rồi, trên này luôn thiếu nước trầm trọng, đi lại
rất khó khăn không thể đi chở từng can nước về dùng như những nơi khác. Tôi đã
nghĩ ra cách lấy túi nilon lồng bao tải dứa để đựng nước dự trữ sinh hoạt. Có
những bao nước được tích trữ từ 2 đến 3 năm rồi. Hôm nào có mưa, các thầy cô và
học sinh cùng nhau hứng nước, trong căn phòng bé nhỏ, chỗ nào đựng được nước
thì tận dụng hết để trữ nước.
Hoạt động ngoài giờ của cô và trò trường Mầm non Chè Lỳ A
Ở những điểm trường
trên núi cao của xã Đức Hạnh, phần nhiều giáo viên đều không phải người địa
phương. Với cô Bế Thị Trưng cũng vậy, 8 năm gắn bó với điểm trường mầm non Chè
Lỳ A, là những ngày cô phải băng rừng, vượt đèo dốc, cheo leo bên sườn núi để
đến với học sinh vùng đặc biệt khó khăn này. Điểm trường nằm trên đỉnh núi cách
trung tâm xã 12 km, chưa có nhà công vụ, nên cô Trưng cũng phải tận dụng lớp
học làm nơi ở.
Cô giáo Bế Thị Trưng
cho biết: Ngày đầu tiên vào điểm trường tôi sợ lắm, sợ nhất con đường ghập
ghềnh, gian nan như cản trở mọi ước mơ. Mọi thứ diễn ra vô cùng khó khăn, bất
đồng ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn… Gần chục năm công tác ở nơi đây,
tôi dần cảm thấy các cháu ngày càng gần gũi, yêu thương, coi các cháu như con
của mình. Tôi tự nhủ, nếu bây giờ mình không cố gắng, không yêu nghề, không
chịu khó, thì các cháu không được học chữ, bao giờ mới hết nghèo, hết khổ,
tương lai các cháu sẽ đi về đâu… Tôi chỉ mong các cháu được đi học, hiểu biết
nhiều để sau này có cuộc sống tốt hơn.
Những khó khăn, vất vả
nơi vùng cao vẫn còn dài phía trước, nhiều thầy, cô giáo hy sinh tuổi thanh
xuân, tình nguyện lên rẻo cao dạy chữ, đối mặt với những thách thức, gian nan,
nhưng vượt lên tất cả là tình yêu nghề, vì thế hệ tương lai của đất nước, các thầy
cô sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp “trồng người”, đem ánh sáng tri thức đến các
em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo nguồn: baocaobang.vn.