Qúa trình phát triển

VÀI NÉT CHUNG VỀ BẢO LÂM

Huyện Bảo Lâm được chia tách từ huyện Bảo Lạc theo Nghị định 52/2000/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2000. Bảo Lâm là huyện, vùng cao biên giới nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thị thành phố Cao Bằng 172 km theo Quốc lộ 34 Cao Bằng - Bảo Lạc - Hà Giang. Huyện có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh

1. Vị trí địa lý: Là huyện đặc biệt khó khăn trong tổng số 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a/NQ - CP của Chính phủ; có 14 đơn vị hành chính trong đó có 13 xã thuộc Chương trình 135, có 6,5 km đường biên giới, với vị trí địa lý như sau:

Phía Đông giáp huyện Bảo Lạc; phía Tây giáp tỉnh Hà Giang; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Bắc Kạn; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.  Là một huyện có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi, núi đá cao, độ cao TB so với mặt biển khoảng 800m, bị chia cắt bởi nhiều thung lũng, suối, sông ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác sử dụng đất đai, đất N2, thường bị khô hạn vào mùa đông và đầu vụ xuân gây khó khăn cho việc nâng cao hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích đất canh tác và chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng như cơ giới hoá trong sản xuất N2.

 Khí hậu của huyện mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa đông khô và lạnh, mùa hè nóng và ẩm. Diện tích đất tự nhiên có  91.206,44 ha, chiếm 13,60% diện tích tự nhiên của tỉnh, bình quân đạt 1,60 ha/người, cao hơn bình quân chung cả nước (1,31 ha/người) trong đó:  Đất nông nghiệp: 88.365,15 ha, chiếm 96,88%; đất phi nông nghiệp 2.741,90 ha, chiếm 3,01%. Là huyện có nhiều tài nguyên khoáng sản có giá trị cao như: Ăntimon; quặng Barits - Chì kẽm.  Ngoài ra còn có quặng đồng (đang được điều tra, đánh giá). Các nhà máy đi vào khai thác và chế biến sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động góp phần giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn huyện; Diện tích đất lâm nghiệp của Bảo Lâm là 72.491,77 ha, chiếm 79,48% diện tích tự nhiên. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 52%. Diện tích rừng của huyện phân bố hầu hết trên địa bàn các xã trong đó: đất rừng sản xuất 4,50 ha, đất rừng phòng hộ 72.487,27 ha.

3. Các xã trong huyện 

Huyện Bảo Lâm có 14 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Pác Miầu và 13 xã: Đức Hạnh, Lý Bôn, Vĩnh Quang, Vĩnh Phong, Nam Cao, Nam Quang, Tân Việt, Mông Ân, Quảng Lâm, Thạch Lâm, Thái Học, Thái Sơn và Yên Thổ. Những xã này hầu hết thuộc Tây nam của huyện Bảo Lạc cũ. Việc thành lập huyện Bảo Lâm tạo ra cơ cấu tổ chức phù hợp để thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển KT-XH ở vùng này cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh bước vào thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ngoài thị trấn Pác Miầu thì toàn bộ 13 xã còn lại của huyện đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II.

4. Cơ cấu dân số 

Bảo Lâm thuộc vùng đất rộng, người thưa, dân số toàn huyện có 57.028 (2014)  người, mật độ dân số: 62,52  người/km2. Theo số liệu thống kê, dân số toàn huyện năm 2014 là 57.027 người, với 11.094 hộ. Toàn huyện có 9 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết gắn bó lâu đời trong đó dân tọc thiểu số chiếm trên 98%, bao gồm: Dân tộc Tày 12.221 người, Nùng 5.748 người, Mông 27.727 người, Dao 4.819 người, Sán Chỉ 4.631 người, còn lại là các dân tộc khác.Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,3%; Phần lớn các dân tộc thiểu số trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống còn khó khăn, nguồn lao động hầu như chưa qua đào tạo.

Cùng với sự hình thành, phát triển của cộng đồng dân cư, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện cũng rất đa dạng, phong phú. Nét đẹp truyền thống của mỗi dân tộc luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Mặt khác, trong quá trình giao lưu chung sống, những tinh hoa quý báu của các dân tộc anh em được tiếp thu và trở thành tài sản chung của cả cộng đồng.

Tôn giáo: có đạo tinh lành gồm 1.547 hộ, 5.723 nhân khẩu; hoạt động tương đối ổn định, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện có hoạt động trái pháp luật của tổ chức  Dương Văn Mình làm tình hình an ninh trật tự tại địa phương có nhiều diễn biến phức tạp, năm 2013 xây dựng 7 nhà để đồ tang lễ trái pháp luật tại địa bàn 6 xã. Đến 31/12/2013 có 06 xã Nam Quang, Nam Cao, Lý Bôn, Vĩnh Quang, Thạch Lâm, có 8 điểm nhóm hoạt động, với 219 hộ, 1.373 nhân khẩu theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Tổng lao động trong độ tuổi là 31.284 người chiếm 54,76 % dân số toàn huyện, lao động ngành nông nghiệp 27.268 người, chiểm 47,7% dân số toàn huyện, công nghiêp xây dựng 307 người, chiếm 0,54% dân số toàn huyện; dịch vụ 180 người, chiếm 0,32% dân số toàn huyện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa cao, tỷ lệ qua đào tạo còn thấp.

5. Về kinh tế:

 Tổng Thu ngân sách trên địa bàn huyện, bình quân mõi năm trong giai đoạn: 36 tỷ đồng; Sản lượng lương thực bình quân năm trong giai đoạn: 24.000tấn; Lương thực bình quân đầu người: 432 kg/người/năm

Là huyện có tiềm năng, thế mạnh về phát triển chăn nuôi đàn gia súc ( đặc biệt là chăn nuôi bò); hàng năm, chăn nuôi được chú trọng đầu tư phát triển; trong đó tập trung phát triển đàn bò, phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng cỏ; trong những năm qua đàn gia súc tăng cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn gia súc năm 2014: 55.978 con, gia cầm: 300.000 con

 

Trong những năm qua kinh tế rừng đã có bước phát triển. Công tác trồng rừng tập trung, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh và rừng đầu nguồn đạt kết quả:Trong 4 năm qua đã trồng được trên 206,8ha, trong đó: Rừng phòng hộ 90ha, Rừng sản xuất 116,8ha; Tổng diện tích khoanh nuôi bảo vệ được 15.000ha.

 Thế mạnh nền kinh tế của huyện là phát triển nghề rừng và sản xuất lâm nghiệp. Nhưng thực tế hàng năm giá trị sản xuất lâm nghiệp không cao. Công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh còn hạn chế. Việc đầu tư chăm sóc, bảo vệ và trồng mới còn ít, hiện trạng rừng nghèo kiệt là chủ yếu, trữ lượng thấp. Đời sống của nhân dân còn khó khăn, chưa có đầu tư để phát triển rừng do đó nguồn thu nhập từ kinh tế rừng chưa đáng kể so với tiềm năng. Vì vậy, tiềm năng này chưa được phát huy khai thác, cần có biện pháp tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi và trồng rừng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao từ rừng, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân.

 Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: Nhìn chung  sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp của huyện chưa phát triển, sản xuất manh mún, mang tính tự phát, chủ yếu là khai thác đá, cát, gạch và sản xuất đồ mộc dân dụng phục vụ cho nhu cầu tại địa phương. Giá trị sản xuất năm 2013 đạt 3,719 tỷ đồng ( theo giá hiện hành). Tỷ trọng không ngừng tăng lên, năm 2011 chiếm 9% trong cơ cấu kinh tế của huyện, đến hết năm 2013 chiếm 13% ( tăng 4% so với năm 2011).

Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện chủ yếu là công ty thương nghiệp và các hộ tư thương, hàng hoá trên thị trường phong phú, đa dạng, đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện; thực hiện đầy đủ các mặt hàng chính sách trợ giá, trợ cước,.......

Nhìn chung hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi đáng kể đáp ứng với nền kinh tế thị trường, các mặt hàng chính sách được cung ứng đầy đủ và kịp thời, đáp ứng kịp thời  phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong huyện.

6. Về văn hoá - xã hội

6.1.  Giáo dục đào tạo:

Quy mô phủ kín đến các thôn bản, tổng số trường toàn huyện 58 trường (và 315 điểm trường), trong đó mầm non 157 điểm trường (213 lớp), Tiểu học 158 điểm  trường (560 lớp), Trung học cơ sở 6 trường, PTCS 9 trường, THPT 1 trường và 1 điểm trường tại trung tâm cụm xã Lý Bôn, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đáp ứng một phần cơ bản nhu cầu dạy và học trên địa bàn huyện.

Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực ở các trường trẻ em 6 tuổi và học lớp 1 đạt 98%, HS hoàn thành chương trình TH vào học lớp 6 đạt 90 %, HS TN lớp 9 vào học lớp 10 đạt 60% nhiều thầy cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Duy trì 100% xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 14/14 Phổ cấp MN 5 tuổi; phổ cấp TH đúng độ tuổi đạt 4/14 xã có 03 trường đạt chuẩn quốc gia. Trang thiết bị dạy học còn thiếu, thiếu giáo viên có kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học.

6.2.  Văn hoá- thông tin - thể thao:

Cùng với sự hình thành, phát triển của cộng đồng dân cư, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện cũng rất đa dạng, phong phú. Nét đẹp truyền thống của mỗi dân tộc luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Mặt khác, trong quá trình giao lưu chung sống, những tinh hoa quý báu của các dân tộc anh em được tiếp thu và trở thành tài sản chung của cả cộng đồng. Các thế hệ cư dân đến vùng Bảo Lâm đều là những người lao động cần cù, không quản ngại khó khăn, gian khổ, mong muốn xây dựng cuộc sống ổn định và tương lai tốt đẹp cho con cháu; Bảo Lâm có nhiều lễ hội như: Lễ cấp sắc của DT Sán chỉ, hội lồng tồng, Lễ hội chọi bò..

- Công tác văn hoá xã hội được tiến hành thường xuyên có hiệu quả. Thực hiện cuộc vận động (( toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá))  phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá được đẩy mạnh, các cấp các ngành đã phối hợp tổ chức tuyên truyền quy ước nếp sống văn hoá, quy ước người Mông, Dao, xây dựng các tiêu chuẩn phấn đấu, tổ chức xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đến các thôn xóm và các hộ gia đình. Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc các phong trào văn nghệ: như hát dao duyên, hát then, hội lồng tồng, tung còn, kéo co, đẩy gậy.... đươc giữ gìn và phát triển.

Số xã được xây dựng nhà văn hoá: 03; Số xóm có nhà văn hoá 118, trong đó: 114 nhà làm bằng gỗ, lợp fibrôxi măng; 4 nhà xây cấp 4. Tỷ lệ dân số dân số luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên: 25%

7.  Hệ thống Kết cấu hạ tầng của huyện

+  Giao thông:

Toàn huyện có: 58km đường Quốc lộ chạy qua, trong đó: QL 34 có 32km qua các xã: Vĩnh Quang, Lý Bôn, Thị trấn Pác Miầu, QL 4C có 26km nối từ quốc lộ 34 đi qua xã Lý Bôn đến huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.

- Đường huyện: Có 141km, trong đó 44km đường giao thông nông thông loại A mặt đường nhựa hóa, 97km là đường giao thông nông thôn loại B, mặt đường cấp phối đá sít tự nhiên hiện nay đã xuống cấp, có 6 cầu treo bắc qua sông Gâm là cầu có tải trọng yếu) xuống cấp nhanh, hạn chế vận chuyển hàng hóa

- Đường liên huyện: được đầu tư 2 tuyến có chiều dài 31km, gồm: đường  từ xã Vĩnh Quang, Vĩnh phong huyện Bảo Lâm – xã Hồng trị, Hưng Đạo huyện Bảo Lạc dài 22,2km; Đường Khau Sáng xã Vĩnh Quang  huyện Bảo Lâm - Kim cúc huyện Bảo Lạc dài 7,8km; Quy mô đường GTNT loại B nền cấp phối được đưa vào sử dụng năm 2013.

- Đường xã, liên xã: toàn huyện có đường xã và đường thôn xóm khoảng 467km trong đó có khoảng 80 km đường giao thông nông thôn loại B nền cấp phối, 20 km nền đất rộng 3,5m, số còn lại do nhân dân tự làm nền rộng trung bình 1,5 - 2m.

- Đến nay có 14/14 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 4 xã có đường nhựa, số còn lại nền đường cấp phối, hiện xuống cấp trầm trọng, nhiều xã đi qua sông Gâm bằng cầu treo có tải trọng thấp, làm ảnh hưởng tới vận tải, phát triển KT-XH......

+  Công trình y tế:

Bệnh viện đa khoa tại trung tâm huyện đã được đầu tư xây dựng 55 giường bệnh, 01 phòng khám đa khoa khu vực tại Bản Bó xã Thái Học được đầu tư xây dựng năm 1998 nay đã xuống cấp. 4/14 trạm y tế đạt chuẩn, còn lại 10 xã và thị trấn xây dựng nhà cấp 4 từ 2012. Các trạm y tế còn thiếu trang thiết bị, thiếu bác sỹ, các trạm đã xuống cấp cần đầu tư nâng cấp.

 +  Công trình trường học:

Từ ngày được thành lập được ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp học bằng nhiều nguồn vốn, tổng số phòng học xây dựng mới cấp 4 trở lên là khoảng 651 phòng, tạm 334 phòng; nhà ở giáo viên 295 phòng, tạm 345 phòng. Nhìn chung cơ sở vật chất, trường, lớp học trên địa bàn từng bước xoá được nhiều phòng học tạm bợ và lớp học 3 ca. Tuy nhiên, đầu tư còn thiếu tính đồng bộ phần lớn các trường đều thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thư viện, nhà ở công vụ giáo viên, phòng học bán trú; phòng hành chính quản trị; cổng, hàng rào,... và toàn bộ hệ thống trường mầm non

 + Công trình chợ:

Toàn huyện có 5 công trình chợ được đầu tư xây dựng nhà lồng, 3 chợ còn tranh tre nứa lá, các chợ chủ yếu là bán buôn bán lẻ đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và cung ứng hàng hoá thiết yếu cho nhân dân.

 +  Mạng lưới điện:

Hệ thống điện quốc gia đến trung tâm 13/14 xã, thị trấn phục vụ cho trung tâm thị trấn, trung tâm xã và các xóm gần trung tâm xã, tính đến năm 2014 có khoảng 42% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 01 xã ( Nam Cao) trong giai đoạn thi công.

 + Thuỷ lợi:

- Toàn huyện có khoảng trên 300 công trình thủy lợi quy mô nhỏ, năng lực tưới trên 1.700 ha. Số công trình được đầu tư kiên cố 71 công trình/ 450 ha.

- Từ 2010 đến 2014 hỗ trợ được: 17 bộ máy bơm dầu và ống dẫn nước 2.801m; xi măng 40 tấn; ống thép là 372 ống; 43.502 m vải địa HDPE và 17.201 m vải địa HDPE; 6.586 rọ sắt loại 2m3.

Nhìn chung các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện có diện tích tưới nhỏ lẻ, phân tán. Số công trình được kiên cố chủ động nước tưới chỉ đạt 26% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp, phần diện tích sản xuất còn lại chủ yếu chờ nước mưa.

 + Nước sinh hoạt:

 Hiện tại có 45 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, xóm, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn theo Quyết định 134 và một số nguồn vốn khác hiện đang khai thác có hiệu quả, hiện tại còn 107 xóm khó khăn về nứơc sinh hoạt, có trên 2000 hộ cần hỗ trợ xây dựng bể nước phân tán.

5. Thực trang an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Trong những năm qua tình hình trật tự an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp, trung bình mỗi năm sảy ra khoảng 20 - 30 vụ phạm pháp hình sự trong đó tội phạm giết người, hiếp dâm, tự tử xảy ra nhiều hơn các địa bàn khác; tình trạng tái trồng cây thuốc phiện còn diễn ra; việc sử dụng súng săn, súng tự chế gây tai nạn, săn bắn nhầm, gây án trả thù cá nhân xảy ra phức tạp...gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Trên địa bàn huyện có hoạt động của Đạo tin lành và tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, cụ thể:

+ Đạo tin lành: Về cơ bản các điểm nhóm Tin lành sinh hoạt đạo trên địa bàn ổn định, không có biểu hiện phức tạp về an ninh, trật tự. Hiện nay toàn huyện có 79 xóm, với 1547 hộ = 5723 người theo đạo tin lành, với 67 điểm sinh hoạt chính; trong đó có 49/67 điểm nhóm đăng ký sinh hoạt với 690 hộ = 2278 tín đồ, còn 18 điểm nhóm chưa đăng ký sinh hoạt theo quy định.

+ Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình: năm 2013có 08 điểm nhóm hoạt động, với 219 hộ = 1373 người theo. Huyện luôn chủ động trong việc đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình theo tinh thần Chỉ thị số 37 - CT/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy, Huyện tổ chức thành lập các tổ công tác xuống cơ sở, các xóm theo tổ chức bật hợp pháp Dương Văn Mình để vận động, tuyên truyền và yêu cầu người dân cam kết không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh theo dõi, tiếp xúc đối thoại, răn đe các đối tượng cầm đầu, tích cực. Trong năm 2013 Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã xây dựng trái phép 07 " nhà đòn" trái pháp luật, Qua quá trình nhiều lần tuyên truyền vận động người dân tự tháo dỡ nhưng không có kết quả, ngày 24 tháng 11 năm 2013 Huyện đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ đồng loạt 07 " nhà đòn" tại 07 điểm nhóm trên địa bàn. Sau cưỡng chế đến nay, tình hình an ninh trật tự  tại các xã về cơ bản ổn định, các đối tượng theo Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình về cơ bản cũng ổn định, các đối tượng không có biểu hiện yêu sách, chống đối chính quyền.

Nhìn chung, những năm qua các lĩnh vực kinh tế - xã hội huyện đều có những bước chuyển biến rõ rệt và cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch hàng năm đề ra. Tốc độ phát triển kinh tế đạt khá, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống văn hoá tinh thần của người dân được nâng lên, thể hiện trên một số lĩnh vực cụ thể sau:

- Nền kinh tế của huyện có bước phát triển và đạt mức tăng trưởng khá; Cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành bước đầu chuyển dịch rõ rệt, theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp; tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ.

- Sản xuất nông lâm nghiệp đạt được những kết quả đáng phấn khởi, bước đầu phát huy hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Diện tích 2 vụ và diện tích gieo trồng giống mới cho năng xuất, chất lượng cao liên tục tăng. Năng suất, sản lượng, chất lượng và qua đó tỷ trọng ngành chăn nuôi cũng tăng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Độ che phủ rừng tăng khá nhanh, rừng kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong tổng diện tích rừng trồng mới.        

- Công tác xây dựng đời sống văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển sâu rộng; Sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tiếp tục được quan tâm và đạt hiệu quả khá, không để sảy ra dịch bệnh lớn;Kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể, đặc biệt là đường giao thông: trục Quốc lộ 34 đi từ tỉnh đến trung tâm huyện đã được nâng cấp, có đường đến trung tâm các xã, trường lớp học phần nào đáp ứng được nhu cầu của người học, trụ sở làm việc cho cán bộ huyện được nâng lên; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố và giữ vững; phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

 Từ khi thành lập đến nay, huyện Bảo Lâm đã tạo được bước phát triển nhanh và hướng đi lên rõ rệt. Điều dễ nhận thấy là hệ thống giao thông và các công trình kiến trúc được xây dựng ngày càng nhiều. Bộ mặt của thị trấn Pác Miầu - trung tâm của huyện và các vùng nông thôn có sự thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên Bảo Lâm vẫn còn là huyện nghèo, chặng đường phát triển ở phía trước vẫn còn gặp không khó khăn thử thách, nhưng cái khó khăn không phải như hồi mới tách huyện. Vấn đề quan trọng đạt ra là tổ chức lực lượng, đánh thức mọi tiềm năng, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho sự phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Bởi vậy, trên bước đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa một huyện miền núi còn khó khăn như Bảo Lâm, rất cần sự giúp đỡ toàn diện của Trung ương, của tỉnh, của các địa phương và ban ngành, để Bảo Lâm bứt phá khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển, vững bước đi lên trên con đường đi tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập