Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Lượt xem: 5371

Mùa xuân năm 1941, các dân tộc ở Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu của Đảng và nhân dân ta sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân đã trở về Tổ quốc (ngày 28/01/1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

 

Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).

Trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, sự kiện ngày 28/01/1941 là một sự kiện chính trị quan trọng, là mốc son đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành cội nguồn của cách mạng nước ta.

Từ khi Bác về nước đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thời gian khoảng hơn bốn năm. Trong thời gian ấy, từ tháng 8/1942, Bác sang Trung Quốc công tác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam; từ tháng 5 - 8/1945, Bác về Tân Trào (Tuyên Quang), còn lại khoảng ba năm Bác sống, hoạt động và gắn bó sâu sắc với quê hương, với phong trào cách mạng, với đồng chí, đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Song, tình cảm của Bác với Cao Bằng đã bắt nguồn từ quá trình Bác theo dõi, tìm hiểu và chỉ đạo phong trào cách mạng từ những năm đang hoạt động ở nước ngoài.

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà chiến lược thiên tài, Người không chỉ phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, mà sự gắn bó của Bác với con người Cao Bằng được thể hiện khi Bác gặp người thanh niên Hoàng Văn Nọn, dân tộc Tày, quê Cao Bằng sang Mát-xcơ-va (Liên Xô trước đây) dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản năm 1935. 

Bác về hoạt động và gắn bó với Cao Bằng, đó là sự nối tiếp dòng chảy của thời gian 30 năm Bác sống và hoạt động ở nước ngoài. Ngay khi trở về Tổ quốc, Bác cùng với các đồng chí của mình bắt tay ngay vào tổ chức, hoạt động để thực hiện những gì mà suốt 30 năm trước đó Người từng ấp ủ, mong đợi. Cao Bằng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam.

Tại Pác Bó, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay; đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng… Từ đây, Bác chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, đón thời cơ, đứng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta.

Ngày Bác trở về Tổ quốc, trong muôn vàn công việc phải làm để xây dựng căn cứ địa ở "nơi làm việc đầu tiên của Bác trong những ngày Tổ quốc còn chưa có một tấc đất tự do". Vấn đề hàng đầu trong tư tưởng của Bác là dựa vào dân, vì theo Bác có dân là có tất cả. Vì vậy, đến Cao Bằng, Bác hòa nhập ngay với phong trào quần chúng, trước hết là nhờ tư tưởng cứu nước, cứu dân của Người, tư tưởng đó không chỉ thấm nhuần trong đường lối của Đảng mà đi sâu vào lòng dân và trở thành vũ khí kỳ diệu.

Bác sống với nhân dân, cùng ăn "cháo bẹ, rau măng", chia sẻ với người dân mọi khó khăn, gian khổ, vui buồn. Khởi nguồn từ Cao Bằng và cả những chặng đường lịch sử sau này cho đến phút cuối cùng vẫn gần gũi với nhân dân, sống có tâm, có đức với dân là nét đặc trưng điển hình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự có mặt của Bác trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 - Đây là lần duy nhất Bác ra mặt trận, những lần đi công tác của Bác qua vùng đất Cao Bằng - không chỉ nói lên tầm quan trọng của sự kiện mà còn là nguồn động viên, cổ vũ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và là tình cảm sâu nặng của Người đối với đồng bào các dân tộc Cao Bằng. 

Năm 1961, Bác trở lại thăm Pác Bó, Bác về Cao Bằng như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở Cao Bằng đón Bác như đón người thân, người ruột thịt trong gia đình. Mọi người ở Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai đã từng sống và làm việc với Người. Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tin tự hào của Cao Bằng".

Ngày 02/9/1969, Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Trong nỗi đau đó, đồng bào Cao Bằng đã tổ chức Lễ tang trọng thể Bác tại Pác Bó. Ngày nay, mọi người đến thăm Bảo tàng Pác Bó đều trào dâng xúc động, lặng lẽ đứng trước tấm ảnh đồng bào mặc đồ đại tang, đau đớn tiễn đưa Bác bên bờ suối Lê-nin như tiễn đưa người ruột thịt của mình, rồi đồng bào để tang Bác 3 năm. 

Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và đồng bào cả nước, được sự nhất trí của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, hỗ trợ trực tiếp của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An, Cao Bằng đã xây dựng Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng và đón khách đến tham quan từ tháng 5/2011, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Người. Từ ngày đó, nhân dân Cao Bằng và du khách có thêm một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để mọi người thể hiện tình cảm với Người và hiểu thêm về công lao to lớn của Người.

Công trình vô giá về Người sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn của nhân dân cả nước, du khách nước ngoài khi đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - một địa danh không chỉ gần gũi, thân thiết với nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước mà còn với cả bạn bè quốc tế. 

Trước đây, đồng bào và núi rừng Cao Bằng đã che chở, bảo vệ Người, ngày nay đến với cội nguồn Pác Bó không chỉ thấy khó khăn của Bác ngày trước, mà còn cảm nhận được tình cảm với Bác - như thấy Bác vẫn còn đang sống với đồng bào, đồng chí. Đặc biệt đây là một công trình có giá trị và ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh, thể hiện tình cảm, ân nghĩa sâu nặng của nhân dân các dân tộc đối với Bác Hồ kính yêu. 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1