Nhìn lại kết quả 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 tại Cao Bằng
Lượt xem: 4259

Sau 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, hoạt động của Hợp tác xã (HTX) trên cả nước nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại lợi ích đối với xã hội, đóng góp tích cực vào chương trình giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Luật HTX năm 2012 cũng bộc lộ một số hạn chế gây khó khăn vướng mắc cần giải quyết để thời gian tới các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) có thể bộc lộ và phát huy hết tiềm năng, phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đoàn Giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc thi hành Luật HTX năm 2012 tại Liên minh HTX tỉnh ngày 07/11/2017 (Ảnh theo baocaobang.vn)

Những kết quả bước đầu

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ 01/7/2013. Sau khi có hiệu lực thi hành, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản thực hiện Luật HTX trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức tập huấn cho lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tích cực chủ động xây dựng các đề cương, kế hoạch, tổ chức tập huấn thực hiện chuyển đổi và đăng ký lại; phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai cụ thể hóa Luật HTX năm 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định một số điều của Luật HTX 2012. Đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp tập huấn, tư vấn, tuyên truyền hỗ trợ thành lập mới, chuyển đổi hoạt động gắn với củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

Trong giai đoạn 2013-2021, các HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 380 HTX, tăng 4% so với năm 2013; thành lập mới 190 HTX, trung bình mỗi năm thành lập 21 HTX; số thành viên HTX hiện trên 3.400 người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, số lao động thường xuyên trong HTX khoảng 2.800 người. Tổng vốn điều lệ các HTX năm 2021 trên 824,654 tỷ đồng, tăng 2,16% lần so với năm 2013; doanh thu bình quân năm 2021 đạt 1,095 tỷ đồng/HTX, tăng 524 triệu đồng so với năm 2013; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX 4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 02 lần so với năm 2013. Năm 2021, đóng góp vào ngân sách nhà nước của các HTX ước đạt 30,125 tỷ đồng, tăng gấp 02 lần so với năm 2013 (14,806 tỷ đồng).

Đặc biệt, sau khi thi hành Luật HTX năm 2012, tỉnh đã quan tâm công tác chuyển đổi, tổ chức lại HTX và giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả. Trong giai đoạn 2013-2021 đã thực hiện giải thể 174 HTX. Đồng thời, có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX có tiềm năng chuyển đổi HTX kiểu mới và thành lập các HTX mới theo quy định với bộ máy quản lý điều hành gọn nhẹ, linh hoạt. Nhiều HTX sau chuyển đổi và thành lập mới đã tham gia các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo hướng an toàn, chất lượng cao, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả của HTX, tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP

Các HTX ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay đã có nhiều HTX có sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao cấp tỉnh, như: thịt xông khói, lạp sườn của HTX Tâm Hòa; dâu tây VietGap, HTX Nông nghiệp Trường Anh; miến dong của HTX nông sản Tân Việt Á; rượu ngô CP999, HTX Tuấn Tú; nước cốt chanh leo, HTX Vân An… các sản phẩm của HTX phong phú, đa dạng, được thị trường trong và ngoài tỉnh quan tâm.

Các HTX ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh mà còn trở thành nhân tố không thể thay thế, góp phần xây dựng các sản phẩm truyền thống, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định KTTT, HTX đóng vai trò quan trọng đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Các HTX có sản phẩm sản xuất bước đầu gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, các HTX đã góp phần thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới, như: tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, hộ nghèo, lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập của người dân, môi trường… Nhiều HTX còn đóng góp tích cực trong xây dựng hạ tầng nông thôn, như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hệ thống lưới điện…   

Sản phẩm Bí thơm của HTX Thuận Phong

 

Thực trạng và giải pháp khắc phục

Qua quá trình 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: Việc ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012 ở tỉnh đôi khi chưa kịp thời so với yêu cầu; việc thực hiện đôi lúc chưa đồng bộ; nhiều nội dung chưa được thống nhất, nhất là về thủ tục đăng ký lại và đăng ký thành lập khiến các HTX khó khăn trong chuyển đổi nội dung hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các quy định tại Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn bất cập; một số quy định còn chưa được hướng dẫn hoặc có hướng dẫn nhưng tính khả thi không cao, khó triển khai. Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành Luật HTX năm 2012 và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa thường xuyên. Tại một số địa phương thi hành Luật HTX chưa có sự đóng góp tích cực của các cơ quan chủ thể, cơ quan tham mưu chính; chưa thể hiện quyết tâm cao, có việc còn chung chung, chưa rõ thời gian thực hiện do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến phong trào KTTT. Chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức lại các mô hình tổ hợp tác, HTX theo Luật HTX năm 2012.

Đối với HTX và thành viên HTX gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn sản xuất kinh doanh; việc thực hiện tín dụng nội bộ còn nhiều hạn chế; khó khăn trong hợp tác liên kết chuỗi giá trị, hợp tác sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp và các tổ chức bên ngoài, tìm kiếm mở rộng thị trường; một số HTX do sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên việc chấp hành các nghĩa vụ thuế, phí với cơ quan nhà nước đôi khi còn chậm chễ… Mặt khác, khi áp dụng Luật HTX năm 2012 những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tình hình thực tế.

Để việc thi hành Luật HTX năm 2012 đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các HTX tiến tiến, điển hình; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng cho các thành viên KTX; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX; tăng cường tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX ra thị trường trong nước và quốc tế; khuyến khích tạo điều kiện để các HTX tiếp cận được các chính sách ưu đãi, nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển KTTT, HTX.  Lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, các các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Quan tâm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực; khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1